NGƯỜI NHẬT ĐƯA TAM GIÁC MẠCH VIỆT NAM VƯỢT ĐẠI DƯƠNG

Mấy năm nay, Matsuo Tomoyuki chia nửa năm sống ở Nhật, nửa năm sang Việt Nam trồng tam giác mạch, làm trà shan tuyết, sushi cá tra.

Bước ngoặt cuộc đời vị CEO một công ty truyền thông lớn ở Tokyo bắt đầu 12 năm trước, khi thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra. Hôm đó, Matsuo đang họp ở tầng 39 tòa nhà Roppongi Hills, Tokyo và mắc kẹt suốt 8 tiếng trước khi được giải cứu.

“Trên đường di chuyển, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc phải làm việc ở hai quốc gia để phòng ngừa rủi ro”, người đàn ông hơn 50 tuổi nói.

Doanh nhân, đầu bếp Matsuo Tomoyuki với một người dân bên cây trà cổ thụ tại vùng núi cao xã Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang, năm 2022. Ảnh: JVGA

Ban đầu, Matsuo sang Mỹ, nơi ông từng du học để tìm cơ hội lập nghiệp, rồi tới Singapore mở một nhà hàng. Dự án rất thành công nhưng người đàn ông Nhật vẫn cảm thấy đây không phải vùng đất cho mình.

Một lần người bạn thân rủ Matsuo sang TP HCM khai trương một dự án sân golf. “Đặt chân tới Việt Nam, lần đầu tiên tôi đã có một cảm giác gì đó rất xán lạn”, ông kể.

Ngay trong chuyến đó, doanh nhân này quyết định hợp tác thành lập một khu ẩm thực tại Bình Dương. Matsuo ước tính mỗi ngày có thể thu hút 1.200 khách trong hơn 3.000 nhân viên tòa nhà. Song bài toán cần giải là làm thế nào để có một suất ăn theo phong cách Nhật nhưng giá chỉ 30.000 đồng, phù hợp với mức chi tiêu của nhân viên văn phòng ở Việt Nam.

Matsuo nghĩ đến món mì soba của bà ngoại. Sinh ra và lớn lên ở Tokyo nhưng ký ức đẹp nhất của ông là những mùa hè về quê ở Nagano. Cố hương thời đó có những cánh đồng soba bạt ngàn. Bà ngoại đã dùng nguyên liệu này để làm mì cho cháu. Tìm hiểu trên mạng thấy soba phổ biển ở vùng Vân Nam, Trung Quốc, Matsuo cho rằng nó cũng có thể xuất hiện ở Hà Giang, Việt Nam.

Những ngày đầu năm 2014, người đàn ông xứ Phù Tang cưỡi xe phân khối lớn du hành khắp Việt Nam tìm nguyên liệu cũng như quyết định thực đơn sẽ làm mì dạng chấm hay nước. Đặt chân tới Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang, tận mắt nhìn thấy những cánh đồng tam giác mạch, Matsuo vui như vớ được vàng. Tam giác mạch chính là soba trong ký ức.

“Sống với bà ngoại từ bé giúp tôi biết lá, hoa ảnh hưởng thế nào tới chất lượng mì. Nhìn tam giác mạch Hà Giang, tôi nhận ra đây là giống thuần chủng”, ông chia sẻ.

Từ phong cách ẩm thực Nhật, qua bàn tay người đầu bếp này tam giác mạch được biến tấu thành soba cải mèo, lợn cắp nách, dê núi, tôm sông. Bài toán khó được hóa giải, chuỗi tiệm mì soba Nhật bán giá Việt thành công ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.

“Nhưng đó không phải là điều tôi muốn”, Matsuo Tomoyuki nói.

Ông Matsuo (thứ ba từ phải qua) cùng đội ngũ nhân viên và chính quyền địa phương khảo sát cánh đồng tam giác mạch tại Đồng Văn, Hà Giang, năm 2022. Ảnh: JVGA

Mỗi năm Nhật Bản nhập gần 100.000 tấn hạt tam giác mạch từ Trung Quốc. Matsuo muốn một phần trong đó phải là từ Việt Nam. Ông khảo sát ở Hà Giang có thể trồng được 500 tấn hạt. “Nếu đem số lượng tam giác mạch này sang thị trường Nhật, nông dân Việt Nam sẽ đổi đời”, ông nghĩ.

Trong một thử nghiệm bí mật tại cửa hàng mì soba ở Tokyo, công ty của Matsuo sử dụng cùng lúc nguyên liệu Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả cả ba nhân viên trong quán đều trả lời soba làm từ tam giác mạch Việt Nam cho ra vị ngon hơn.

Tuy nhiên, quá trình đưa tam giác mạch xuất khẩu không dễ dàng. Với người dân Hà Giang, nó chỉ là loài cây nấu rượu hoặc trồng cho khách chụp hình, ít giá trị kinh tế. Để thay đổi suy nghĩ, doanh nhân này đã vượt qua những núi đá tai mèo để đến 10 huyện của Hà Giang gặp gỡ người dân và chính quyền bàn bạc dự án trồng tam giác mạch xuất khẩu. Nhưng có lẽ ngày đó người ta nghĩ ông viển vông nên kế hoạch này mãi giậm chân tại chỗ.

Năm 2018 Matsuo quyết định mở một tiệm mì soba tại Hà Giang, trực tiếp vào bếp truyền công thức cho những đầu bếp bản địa. Rồi ông cho nhân viên miền ngược xuống xuôi học tập, đồng thời đưa nhân viên miền xuôi lên vùng cao ăn ở với dân bản. Cách làm này khiến hai bên tin tưởng, hiểu về giá trị việc mình làm.

Chị Nông Thị Tuệ, 34 tuổi, người quản lý dự án soba tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, Hà Giang, vẫn không quên được ngày đầu tiên ông Matsuo đến bản. “Ông ấy hỏi tại sao lại để đất bỏ hoang, hỏi chúng tôi làm những gì trên đất này hàng năm và có muốn trồng soba cho ông ấy không?”, Tuệ kể.

Ông thuê đất của dân 3,5 tháng trong năm, trả 4 triệu đồng một hecta, thuê luôn người dân địa phương trồng soba. Phát cỏ, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, cứ xong công đoạn nào Matsuo trả tiền công đoạn đó.

Những nỗ lực của khoảng 200 nhân viên và nông dân địa phương đã mang về vụ tam giác mạch đầu tiên từ nhiều địa bàn Hà Giang bội thu năm 2021. Toàn bộ 50 tấn hạt được xuất sang Nhật.

Rất mừng vì đã gặt hái thành quả, nhưng Matsuo không nghĩ mình đã thành công. “Nếu vượt con số 300 tấn xuất khẩu trong năm nay thì chúng ta có thể nói từ đó”, ông nói.

Ông Matsuo giới thiệu các món soba tam giác mạch Hà Giang tại một nhà hàng của mình ở TP HCM. Ảnh: JVGA

Không dừng ở dự án này, Matsuo thành lập Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam (JVGA) đầu năm 2020 với mục đích cung cấp dịch vụ tư vấn về nông nghiệp, sản xuất sản phẩm, thương mại và bán hàng, giao lưu nền văn hóa ẩm thực của cả hai quốc gia.

Dự án soba tại Hà Giang nằm trong một dự án lớn hơn tên 110VJ.LOVE (110 là kết hợp 63 tỉnh thành Việt Nam với 47 tỉnh thành của Nhật Bản). Hiệp hội sẽ chọn một sản phẩm ở mỗi tỉnh thành Việt – Nhật, lập chuỗi bán hàng trên mạng. Mỗi sản phẩm sẽ được giới thiệu kèm câu chuyện phía sau, từ chất lượng, đến nuôi trồng, chế biến, văn hóa và danh thắng địa phương. Số lượng 110 sản phẩm này sẽ định kỳ thay đổi.

Theo Matsuo, chỉ riêng Hà Giang đã có nhiều đặc sản như tam giác mạch, mắc khén, hạt dổi, hoa hồi cho đến các loại rau củ theo mùa. Mỗi địa phương ở Việt Nam đều có những đặc sản mà Nhật Bản không có. Đặc biệt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có nhiều sản phẩm độc đáo mà ông nghĩ đều xứng đáng lan tỏa.

Tại Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm FOODEX 2023 ở Trung tâm Triển lãm quốc tế Tokyo Big Sight tháng 3 vừa qua, JVGA mang đến 63 sản phẩm của Việt Nam. Những chiếc ống hút gỗ, muối, sốt, các loại mứt, mật ong, trà shan tuyết, cà phê… khiến khách Nhật rất ấn tượng.

“Bằng cách thực hiện dự án này, tôi muốn kể cho người tiêu dùng về vẻ đẹp của Việt Nam và Nhật Bản”, ông nói. Hiện ông cùng đội ngũ của mình đang lựa chọn 47 sản phẩm của Nhật cho triển lãm năm tới tại Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình có cố ngoại là giám đốc một ngân hàng ở Tokyo, ông ngoại là giám đốc bệnh viện nên sự thành công và đóng góp cho xã hội từ các thế hệ trước là tự hào cũng là áp lực buộc Matsuo phải tiếp nối và vươn xa.

“Đó là lý do tại sao tôi luôn tìm cách đóng góp cho xã hội. Và hiện tại, tôi đã tìm thấy thông qua ẩm thực”, ông nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *